Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Giao tiếp kém, nguyên nhân đến từ đâu?


Giao tiếp kém không chỉ ảnh hưởng đến các mối quan hệ mà nó còn là nguyên nhân lớn khiến bạn không thành công trong công việc và cuộc sống. Cải thiện khả năng giao tiếp vì thế trở nên vô cùng quan trọng.
Đơn giản thôi, phải tìm ra căn nguyên của vấn đề thì mới có thể giải quyết được. 6 nguyên nhân làm khả năng giao tiếp không tốt bên dưới, bạn thuộc nguyên nhân nào?

Giao tiếp kém ảnh hưởng nhiều đến công việc và cuộc sống của bạn


1. Nhìn điểm đen

Rào cản lớn nhất khiến giao tiếp kém hiệu quả nằm trong chính bản thân người đó. Bạn không thể giao tiếp tốt khi bạn thấy mình yếu kém.

Bạn cũng không thể giao tiếp tốt khi bạn bị dằn vặt những lỗi lầm, thất bại của mình, những đau khổ trong quá khứ. Đó chính là bức tường cản trở thành công. Tất cả những người thành công và hạnh phúc trong cuộc sống không phải là không có điểm yếu kém, cũng không phải là họ chưa bao giờ mắc lỗi, chưa bao giờ thất bại.

Những điểm yếu kém tồn tại như một lẽ hiển nhiên. Vấp ngã, thất bại là quy luật tất yếu để con người phát triển và đi lên phía trước. Sự khác nhau giữa người thành công và người thất bại, người hạnh phúc và đau khổ chính là cách họ vượt lên trên những nỗi đau, họ phát huy sở trường của mình.

Nếu như người ta chỉ nhìn vào điểm yếu kém của mình thì chắc chắn là họ sẽ tự ti. Ai cũng từng thất bại, ai cũng từng đau khổ. Nhưng những người lạc quan sẽ hạnh phúc hơn những người suy nghĩ tiêu cực về bản thân, cuộc sống và những người xung quanh.
Thực tế, mọi hành động, lời nói của con người đều xuất phát từ suy nghĩ. Đó là bức tường lớn ngăn trở khiến họ rất khó khăn khi giao tiếp.

2, Thói quen đổ lỗi

Khi Trưởng phòng hỏi 1 nhân viên: “Tại sao cô đi làm muộn?”, lý do thường là “em hỏng xe”, “bị tắc đường”. Hay khi không in được tài liệu thì đổ lỗi vì máy in hỏng, không hoàn thành kế hoạch vì cấp trên giao quá nhiều việc…

Thói quen này vô tình được cha mẹ rèn luyện ngay từ khi chúng ta còn nhỏ và hậu quả của nó là gì?
Một là: Đánh mất cơ hội phát triển của chính mình: Nếu ta chỉ đi tìm lỗi của người khác thì ta sẽ không sửa lỗi được của chính mình. Và khi ta không sửa được lỗi thì ta sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.

Hai là: Mọi người né tránh: Không ai muốn làm việc với một người luôn tìm mọi lý do để giải thích tại sao mình không làm được. Mọi người có thể chấp nhận bạn mắc lỗi một vài lần đầu, nhưng họ không thể chấp nhận một người chuyên đổ lỗi. Đó là nguyên nhân giao tiếp kém với đồng nghiệp về lâu dài.

Ba là: Gây hiềm khích, mất đoàn kết: Khi đổ lỗi chắc chắn là xảy ra tranh cãi. Vấn đề sẽ không dừng lại ở công việc mà chuyển sang giải quyết vấn đề cá nhân. Tất cả sẽ tập trung vào việc “bới lông tìm vết”. Người nọ chứng minh người kia sai, kém. Hiềm khích rồi thù hằn cá nhân cũng nảy sinh từ đó.

Tìm được tiếng nói chúng không hề đơn giản

3. Giao tiếp lệch pha

Chẳng hạn: Ông bà, cha mẹ với con cháu thường lệch pha khi trao đổi về cùng một vấn đề. Hoặc người ở thành phố khác với người ở nông thôn; người có trình độ học vấn cao khác với người bình dân; cán bộ quản lý không giống giáo viên; giáo viên dạy Toán không giống với giáo viên dạy Ngữ văn…trong giao tiếp.

Vì vậy, để giao tiếp thành công, tìm được “tiếng nói chung” là vô cùng quan trọng. Nếu không, nó sẽ là nguyên nhân giao tiếp kém hiệu quả trong cuộc sống của bạn.

4. Không biết lắng nghe

Rất nhiều người có thói quen chỉ nghe những điều mình thích, mình vui, mình quan tâm và không thích lắng nghe những điều mang tính chất chia sẻ cá nhân của người nói. Thế mới có hiện tượng cướp lời người khác, cắt ngang lời người khác, nói thao thao bất tuyệt mà không để ý đến tâm trạng, thái độ của người nghe.

5. Truyền tin kém hiệu quả

Bạn có biết, trong một thông điệp truyền đi cho người khác thì tỉ lệ lời nói chỉ chiếm 7%, giọng nói chiếm 55%, và cách nói sẽ chiếm 38%. Tuy nhiên, khi giao tiếp chúng ta quá chú trọng vào lời nói mà không quan tâm tới giọng nói và cách nói sẽ có thể là một trong những nguyên nhân giao tiếp kém mà ít ai để ý.
Tùy từng đối tượng, trình độ và tuổi tác khác nhau, văn hóa khác nhau thì cách ta thể hiện cũng phải khác nhau. Với người già thì không nói quá nhanh, với thanh niên thì không nên nói quá chậm… Kỹ năng truyền tin phải thường xuyên thực hành trong đời sống mới có thể tốt hơn.

6. Giao tiếp kém do định kiến

Vẫn còn đó nhiều định kiến như: nông dân thì ăn nói cộc cằn, thầy giáo thì ăn nói văn vẻ; nói với thầy giáo, thủ trưởng hay bề trên phải khúm núm, nhún nhường; người miền Trung kiêu ngạo, người miền Bắc ăn nói lòng vòng, người miền Nam vô tư, cởi mở; mẹ chồng thì khó tính, mẹ kế thì độc ác,…

Ngoài ra, nguyên nhân giao tiếp kém hiệu quả còn bởi những vấn đề như: Bất đồng ngôn ngữ, thời gian giao tiếp không phù hợp…
Thật uổng phí nếu bạn là người có năng lực, tận tâm với công việc và chân thành với mọi người nhưng lại không gây được thiện cảm trong các mối quan hệ chỉ vì ăn nói vụng về và trông có vẻ “thiếu tự tin” khi ở giữa đám đông.

Hãy cởi mở và khắc phục bản thân mình nhiều hơn bằng cách chú trọng rèn luyện các kỹ năng giao tiếp trong công việc cũng như đời sống.
>> Nguồn: Kyna.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét