Người giỏi tiếng Anh được đánh giá cao hơn
JobStreet đã tiến hành một cuộc khảo sát về vấn đề tại sao những người mới tốt nghiệp không thể tìm được việc làm. Tầm quan trọng của tiếng Anh được thể hiện rõ rệt với kết quả 91% nhà tuyển dụng xem tiếng Anh như một ngôn ngữ bắt buộc dùng để giao tiếp trong kinh doanh. Riêng trong môi trường doanh nghiệp, 95% nhà tuyển dụng cho rằng trình độ tiếng Anh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, hiệu quả làm việc. Họ sẵn sàng loại hồ sơ của ứng viên vì khả năng giao tiếp và sử dụng tiếng Anh của ứng viên đó không tốt. Ngoài ra, người giỏi tiếng Anh còn được hưởng những điều kiện làm việc tốt hơn, dễ dàng thăng tiến hơn và rủi ro mất việc được giảm thiểu.Nguyên nhân của việc này là hầu hết các nhà tuyển dụng chọn ngoại ngữ là một tiêu chí để đánh giá và sàng lọc các ứng viên. Nếu các công ty tuyển dụng vị trí không đặt nặng vấn đề ngoại ngữ, ứng viên vẫn nên cho biết mức độ thông thạo tiếng Anh trong hồ sơ xin việc của mình. Bởi lẽ, các ứng viên giỏi ngoại ngữ thường được đánh giá là những người thông minh, lanh lợi, khả năng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng. Hơn nữa giữa hai ứng viên có cùng trình độ, khả năng như nhau, chắc chắn ưu thế sẽ thuộc về ứng viên giỏi ngoại ngữ.
Người giỏi tiếng Anh và cơ hội hưởng lương như Tây
Người giỏi tiếng Anh với vốn kinh nghiệm dày dạn thường có cơ hội làm việc tại các công ty nước ngoài, hưởng mức lương khá cao. Mức lương bình quân tại các công ty nước ngoài đối với các vị trí quản lý cao cấp là 24.000 USD/năm, tức 2.000 USD/tháng, đối với vị trí chuyên viên cao cấp lương trung bình khoảng 9.600 USD/năm, tức 800 USD/tháng.
Nhiều người sau khi đã tích lũy kha khá kinh nghiệm tại các công ty trong nước đã tích cực trau dồi vốn liếng tiếng Anh để “nhảy” sang làm tại các công ty của Pháp, Mỹ, Nhật, Singapore, Hàn Quốc...
Trở ngại của người đi làm muốn học tốt tiếng Anh
Tại Việt Nam, đối với một bộ phận nhân viên tại các doanh nghiệp, yêu cầu sử dụng tiếng Anh một cách chuyên nghiệp trong môi trường kinh doanh dường như là một điều “xa xỉ”. Một số người thu xếp để đến trung tâm Anh ngữ sau giờ làm, với hy vọng cải thiện được trình độ tiếng Anh của mình theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” nhưng sớm nhận ra rằng đó là thời điểm cơ thể hoàn toàn mệt mỏi, khó tiếp thu kiến thức nhất. Chưa kể đến những buổi họp tại công ty đột xuất khiến người học phải bỏ lớp liên tục. Sau một thời gian dài học tập, trình độ tiếng Anh của họ vẫn không đạt đến mục tiêu mà họ và quan trọng nhất là các nhà tuyển dụng đề ra.
Chị Minh Huyền, nhân viên văn phòng tại Hà Nội cho hay: “Tôi đã học tiếng Anh được 3 năm nay tại nhiều trung tâm nhưng khi nhận cuộc gọi từ đối tác nước ngoài tôi vẫn lúng túng và rất căng thẳng. Có lúc tôi còn không hiểu đối tác nói gì và phải nhờ sự trợ giúp của đồng nghiệp. Nghe tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày, qua băng đĩa và qua điện thoại là những tình huống hoàn toàn khác nhau.”
Bên cạnh đó, do thời gian học hạn chế người đi làm thường không có cơ hội thực hành giao tiếp thường xuyên với giáo viên nước ngoài. Hơn nữa người đi làm gần như luôn phải tham gia lớp học trong trạng thái mệt mỏi sau khi vừa rời công sở. Vì vậy, đa số không đảm bảo được chất lượng tập, lãng phí rất nhiều thời gian quý báu.
>> Nguồn: Dân trí
0 nhận xét:
Đăng nhận xét