Theo phương án thi THPT quốc gia năm 2019 do Bộ GD&ĐT vừa công bố, kế hoạch tuyển sinh năm nay sẽ có nhiều thay đổi về đề thi, mục đích, tổ chức..., ít nhiều ảnh hưởng đến kế hoạch tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ.
Mở rộng chỉ tiêu về kiểm tra năng lực
Một trong những đơn vị tuyển sinh lớn nhất như ĐH Quốc gia (QG) TP.HCM, năm 2019 sẽ vẫn tuyển sinh với bốn phương thức chính, gồm: Kết quả thi THPT quốc gia; xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi; sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH này tổ chức. Tuy nhiên, ĐHQG sẽ mở rộng thêm chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực lên 25%-40% cho các trường thành viên.
Ngoài ra, các trường thành viên có thể xây dựng thêm phương thức tuyển sinh riêng, đưa các tiêu chí xét tuyển từ SAT (Scholastic Assessment Test, Mỹ).
Theo PGS-TS Đinh Đức Anh Vũ, Trưởng ban ĐH (ĐHQG TP.HCM), đây là năm thứ hai ĐHQG tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực vì ĐHQG muốn đổi mới tuyển sinh, đa dạng hóa đầu vào để tuyển chọn được những em giỏi, đúng năng lực, có nguyện vọng học tập và đáp ứng nhu cầu của các ngành đào tạo. ĐHQG cũng sẽ đa dạng hóa môi trường đào tạo nâng cao chất lượng hơn. PGS-TS Anh Vũ cho biết thêm đến nay có khoảng 10 trường ngoài ĐHQG có ý định sử dụng kết quả kỳ thi này.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các trường ĐH, CĐ có sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM để bàn công tác phối hợp tổ chức kỳ thi và cách thức sử dụng kết quả kỳ thi để tổ chức tốt hơn. Về lâu dài, đây sẽ là phương thức tuyển sinh chính thức cho các trường thành viên, chiếm chỉ tiêu cao nhất” - PGS-TS Anh Vũ nói.
Năm 2019, kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM cũng lần đầu được Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM đưa vào là một trong ba phương thức tuyển sinh của trường.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp trường này, cho biết năm nay trường vẫn sử dụng kết quả học bạ ba năm THPT kết hợp với kết quả thi THPT quốc gia của học sinh để xét tuyển. Theo ThS Sơn, trường cũng muốn tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để nâng cao chất lượng đầu vào hơn nhưng trường chưa có khả năng trong khâu tổ chức nên sẽ lấy lại kết quả từ ĐHQG với 10% chỉ tiêu.
Học sinh lớp 12 trong một đợt thi đánh giá năng lực vào Trường ĐH Quốc tế thuộc ĐHQG TP.HCM.
Điều chỉnh nhưng không gây xáo trộn
Đến thời điểm này, các trường ĐH vẫn đang trong quá trình xây dựng đề án tuyển sinh. Trong đó, phần lớn các trường vẫn dành chỉ tiêu cao cho xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia. Nhiều trường cho biết sẽ có điều chỉnh đề án tuyển sinh nhưng không nhiều nhằm tránh gây xáo trộn, ảnh hưởng tâm lý thí sinh.
Như Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết trường vẫn ưu tiên cho phương thức xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia và điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12. Trong đó, điều kiện tối thiểu để nhận hồ sơ xét tuyển vào trường là điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 đạt từ 6,5 trở lên. Tức thay vì điểm tổ hợp ba môn như trước, trường sẽ dựa trên điểm bốn môn (cả điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12) và xét thí sinh từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu.
Ngoài ra, trường dự kiến sẽ mở rộng đối tượng tuyển thẳng cho những em học sinh giỏi ba năm liên tục ở bậc THPT, chỉ tiêu khoảng 25%-30%.
Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, trường dự kiến sẽ giữ nguyên các hình thức xét tuyển như năm trước, sẽ có thi tuyển cho một số ngành đặc thù, còn lại vẫn xét tuyển theo học bạ hoặc kết quả kỳ thi THPT quốc gia và có thể kết hợp thi tuyển, xét tuyển.
Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM dự kiến vẫn giữ hình thức xét tuyển là dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, tuyển thẳng, xét tuyển bằng học bạ...
Tương tự, phía Trường ĐH Y Dược TP.HCM đến nay cũng cho biết sẽ không thay đổi nhiều trong tuyển sinh cho năm 2019. Nếu có thì trường chỉ bổ sung phương thức xét tuyển kết hợp sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và tổng điểm ba môn thi toán, hóa, sinh để sàng lọc đầu vào chất lượng hơn.
>> Nguồn: PHẠM ANH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét