Học sinh cần bám sát đề thi minh họa Sở GDĐT Hà Nội đã công bố để ôn tập. |
Khi nào thì luyện đề?
Sau kỳ nghỉ Tết, học sinh bắt đầu bước vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 diễn ra vào tháng 6. Năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thí sinh sẽ phải dự thi đủ 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và bài thi thứ 4. Với môn thi thứ 4 sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên thuộc một trong các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Theo kế hoạch, môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào tháng 3. Em Minh Anh (học sinh lớp 9A2, Trường THCS Cao Bá Quát, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu năm học, em và các bạn đã được cô giáo nhắc nhở không được lơ là với môn học nào vì ngoài 3 môn đã biết, môn thi thứ 4 vẫn đang “bỏ ngỏ”. Em cũng hiểu nếu không học nghiêm túc ngay từ đầu mà đến khi công bố mới học thì có thể sẽ không theo kịp các bạn. Nhưng việc ôn luyện đủ 9 môn khiến Minh An luôn trong tình trạng “căng mình”, hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Mặc dù không đi học thêm như nhiều bạn khác, Minh An cho biết thêm, riêng việc làm hết bài tập các thầy cô giao về nhà của 9 môn đã đủ “phờ phạc”. Như dịp Tết vừa qua, Minh An cũng dành phần lớn thời gian để nhờ chị họ là sinh viên ĐH Ngoại ngữ bổ túc thêm cho môn tiếng Anh với hi vọng sẽ cải thiện phần bài thi tự luận vốn không phải là sở trường của em.
Cô giáo Đỗ Thị Dung (Trường THCS Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, thời điểm này, chương trình học đã dạy được khoảng 2/3, trang bị những kiến thức cơ bản và bước sang giai đoạn ôn luyện kết hợp với hoàn thiện việc trang bị kiến thức còn thiếu. Trước mắt nhà trường vẫn hướng dẫn các em tập trung học tốt 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, đồng thời học đều, học chắc chắn các môn còn lại. Khi nào biết môn thi thứ 4, nhà trường sẽ tăng cường thêm việc giảng dạy, củng cố lại kiến thức để học sinh có nhiều cơ hội hơn trong cuộc đua vào lớp 10 sắp tới.
Về thời gian luyện đề, thầy giáo Nguyễn Phi Hùng- giáo viên môn Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục Học mãi cho rằng, thời điểm đầu học kỳ II này các em cần dành thời gian luyện đề để rà soát lại khối lượng kiến thức cũng như trang bị những kỹ năng làm bài thi. Hiện chỉ còn khoảng 3 tháng là đến kỳ thi nên nếu không gấp rút luyện đề ngay từ bây giờ các em sẽ dễ rơi vào tình trạng bị động, nước đến chân mới nhảy.
Một lưu ý nữa là cần căn cứ vào đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 Sở GDĐT Hà Nội đã công bố hồi đầu năm học. Theo đó, đề thi chủ yếu nằm trong phạm vi kiến thức của lớp 9 và khoảng 20% của lớp 8, các câu hỏi nâng cao chiếm rất ít. Thầy và trò cần bám sát đề thi minh họa để lên kế hoạch ôn tập hợp lý, hiệu quả thay vì mải miết theo đuổi những bài toán quá khó…
Căng thẳng nội đô
Theo Sở GDĐT Hà Nội, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2019-2020 chiếm khoảng 62% trong tổng số 101.500 học sinh dự kiến sẽ tham gia xét tốt nghiệp THCS. Như vậy, có khoảng 63.000 học sinh tốt nghiệp THCS sẽ được tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập. Số học sinh còn lại được phân bổ vào các trường THPT công lập tự chủ tài chính, trường THPT ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.
Do Hà Nội phân chia thành các khu vực tuyển sinh, học sinh ở khu vực nào được đăng ký nguyện vọng (NV) 1, NV2 vào khu vực tuyển sinh đó. Lựa chọn NV nào là quyền của thí sinh nhưng để đảm bảo khả năng đỗ thì cần tham khảo điểm tuyển sinh của các năm trước cũng như cân nhắc để thuận tiện việc đi lại. Mặc dù theo tỷ lệ là có 60% học sinh được học trường công, tuy nhiên tỷ lệ này tính chung toàn Hà Nội. Trong khi đó, các trường ngoại thành có điểm tuyển sinh vào lớp 10 thấp, tỷ lệ vào trường có khi là 100%. Các trường trong nội thành thường có số lượng học sinh đăng ký vào lớp 10 đông hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh nên học sinh không còn cách nào khác là tăng cường học thêm để nhằm tìm kiếm một suất vào trường công lập.
Một lưu ý là bắt đầu từ năm nay, trong kỳ thi vào lớp 10, thí sinh sẽ không được cộng điểm khuyến khích bao gồm điểm thi nghề phổ thông ở cấp THCS và cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa. Thêm vào đó là việc không xét học bạ nên tất cả phải dựa vào điểm học lực thật. Các trường căn cứ vào diện ưu tiên (đúng quy định) của học sinh để xác định điểm cộng thêm cao nhất là 1,5 điểm và thấp nhất là 0,5 điểm. Thí sinh có nhiều tiêu chuẩn ưu tiên chỉ được hưởng theo tiêu chuẩn ưu tiên cao nhất.
>> Nguồn: Lâm An (Báo Đại đoàn kết)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét